Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg TV vài ngày trước khi tới Thụy Sỹ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos từ 22-25/01, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đã sẵn sàng để nắm lấy cơ hội này. Theo đó, dự kiến tại cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo toàn cầu ở Davos, lãnh đạo Việt Nam sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam- điểm đến an toàn cho các nhà sản xuất đang bị cuốn vào cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một loạt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, cộng với nhân công giá rẻ và có vị trí địa lý gần với Trung Quốc là lợi thế của Việt Nam. Việt Nam cũng đang cố gắng thúc đẩy xuất khẩu cả về số lượng và chất lượng sản phẩm, đặc biệt với các ngành hàng có lợi thế như thủy hải sản, hàng hóa, giày dép, đồ điện tử... Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế xuất khẩu có thể tăng trưởng nhanh chóng và tạo nhiều việc làm với thu nhập cao hơn cho người dân trong nước.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, nền kinh tế Việt Nam cần khắc phục một số thách thức nghiêm trọng như cơ sở hạ tầng không đầy đủ, thiếu lao động lành nghề gây khó khăn cho việc thu hút sản xuất (ngoài việc lắp ráp như trong ngành may mặc). Các điều kiện kinh tế toàn cầu năm 2019 được dự báo sẽ không có nhiều khởi sắc. Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung và tăng trưởng thế giới vẫn đang là những ẩn số chưa rõ ràng, tạo áp lực lên nhu cầu xuất khẩu, một mối đe dọa đối với nền kinh tế như Việt Nam, nơi có thương mại chiếm khoảng hai lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP)- nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Á ngoài Singapore.
Khoảng ¼ tổng thương mại của Việt Nam là với Trung Quốc. Với tăng trưởng đạt 7,1% trong năm 2018, là tốc độ nhanh nhất thế giới, các nhà lãnh đạo Việt Nam tin tưởng tăng trưởng sẽ đạt mức cao hơn trong phạm vi dự đoán của chính phủ khoảng 6,6% đến 6,8% trong năm nay. Chính sách tiền tệ cũng sẽ giữ cho đồng tiền Việt Nam ổn định trong năm 2019. Việt Nam đã hoàn tất 16 hiệp định thương mại tự do, bắt đầu gắn bó chặt chẽ với thương mại toàn cầu sau khi đưa ra những cải cách định hướng thị trường từ thời kỳ đổi mới những năm 1980s. Xuất khẩu đã tăng lên mức kỷ lục 244 tỷ USD năm 2018, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 48 tỷ USD- cao hơn gấp đôi so với 5 năm trước.
Một số nhà sản xuất lớn đã hoạt động tại Việt Nam, trong đó lớn nhất là Samsung Electronics Co., công ty chiếm khoảng 1/5 lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái. Việt Nam cũng đặt mục tiêu sẽ thu hẹp thâm hụt thương mại với Mỹ trong năm nay. Những thách thức cơ bản của năm 2019 mà Việt Nam sẽ đối mặt đó là căng thẳng thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng. Là một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam phải duy trì tăng trưởng để mang lại nhiều việc làm hơn cho người dân và xóa đói giảm nghèo, dự kiến Việt Nam phải tăng trưởng hơn 6% mỗi năm để tăng thu nhập bình quân đầu người và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Theo đánh giá của tổ chức Natixis SA, Việt Nam được xếp hạng số 1 trong số 7 nền kinh tế châu Á mới nổi là điểm đến sản xuất hấp dẫn khi xem xét nhân khẩu học, tiền lương, chi phí điện, xếp hạng trong tạo thuận lợi kinh doanh và logistics, sản xuất trong tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính phủ đã và đang làm rất nhiều việc nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài phát triển kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
PÔNG!!