Quan điểm diều hâu dần biến mất
Sau 4 lần tăng lãi suất trong năm 2018 vừa qua (9 lần tăng nếu tính từ tháng 12/2015), có vẻ như các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã nhận thấy chừng đó là đủ. Những quan điểm, phát biểu gần đây của các quan chức thuộc FED có tính ôn hòa hơn, thay cho quan điểm hiếu chiến, “diều hâu” trước đó.
Điều này cũng dễ hiểu, khi mà thời gian qua FED đã tăng lãi suất quá nhanh, đe dọa đến đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ, vốn đang có nhiều lo ngại sẽ bị ảnh hưởng từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và châu Âu. Chẳng những vậy, việc tăng lãi suất quá nhanh còn có thể kéo các thị trường tài chính, đặc biệt là các tài sản rủi ro như chứng khoán lao dốc mạnh, điều đã từng xảy ra trong quý 4 vừa qua.
Rõ ràng với những yếu tố không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là rủi ro từ cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 cường quốc lớn là Mỹ và Trung Quốc, nếu các ngân hàng trung ương, mà đứng đầu là FED, nếu tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh sẽ càng làm gia tăng bất ổn và khiến các nhà đầu tư càng thêm bi quan.
Chính vì vậy, trong cuộc họp chính sách tháng 1 vừa qua, FED đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản ở mức từ 2,25% đến 2,50%, kèm theo tuyên bố điều chỉnh tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán và thậm chí có thể xem xét kết thúc lộ trình này. Trái với định hướng trước đây khi tuyên bố sẽ tăng lãi suất dần dần, định hướng đưa ra gần đây của FED là chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt hơn và căn cứ vào diễn biến thực tế của nền kinh tế cũng như diễn tiến thương mại.
Chẳng những vậy, việc tăng lãi suất của FED cũng đã liên tiếp vấp phải sự chỉ trích của tổng thống Mỹ Donald Trump suốt thời gian qua, trong đó không ít lần xuất hiện những thông tin như tổng thống có thể phế truất chủ tịch FED đương nhiệm là Jerome Powell. Cần nhớ rằng chính ông Powell cũng là người được ông Trump bổ nhiệm thay cho bà Janet Jellen – chủ tịch FED trước đây.
Khả năng chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần trong năm 2019
Thực tế, trong biên bản họp hồi cuối năm 2018, FED đặt ra lộ trình tăng lãi suất trong năm 2019 khả năng chỉ còn điều chỉnh 2 lần, thay vì 3 lần như định hướng trước đó. Tuy nhiên, theo giới quan sát, khả năng tăng lãi suất của FED trong năm nay chỉ có 1 lần hoặc thậm chí không có lần nào, nhất là khi lạm phát của nước này tiếp tục hạ nhiệt.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 của Mỹ không thay đổi so với tháng trước, theo đó thấp hơn cả mức dự báo của các nhà kinh tế là tăng 0,1%. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ đã giảm xuống còn 1,6%, từ mức gần 3% trong tháng 7. Xu hướng lạm phát hạ nhiệt như trên giúp hỗ trợ cho lập luận rằng FED không cần tích cực tăng lãi suất trong năm nay.
Trong khi đó, các quan chức của FED cũng kỳ vọng cơ quan này sẽ khó có thể tăng nhanh lãi suất. Trong một cuộc thảo luận tại Diễn đàn Tài chính châu Âu vào sáng thứ 3, Chủ tịch ngân hàng dự trữ bang Atlanta là Raphael Bostic dự đoán FED sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần vào năm 2019.
Ngoài ra, chủ tịch ngân hàng dự trữ tại Cleveland là Loretta Mester thì chia sẻ vào hôm qua rằng cô không thấy khả năng suy thoái kinh tế trong dự báo của mình, cũng như không cho rằng thị trường nhà đất Mỹ đang ở tình trạng bong bóng. Vì vậy, FED không cần phải thắt chặt thêm chính sách để hạ nhiệt các thị trường cũng như nền kinh tế.
Đồng quan điểm, hôm qua, Chủ tịch ngân hàng dự trữ Philadelphia là Patrick Harker cũng phát biểu tán thành việc tăng lãi suất duy nhất vào năm 2019, trong khi dự đoán một lần tăng khác sẽ phù hợp hơn khi diễn ra vào năm 2020.
Cả Bostic, Mester và Harket đều không phải là thành viên bỏ phiếu thiết lập lãi suất của Ủy ban Thị trường mở liên bang năm 2019.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại chưa có kết quả rõ ràng, thì quan điểm xoay chiều của FED được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán giữ được xu thế đi lên đã thiết lập trong giai đoạn gần đây.
PÔNG!!